Cách mạng công nghiệp 4.0 và xã hội 5.0

– CMCN 4.0 có tác động rất lớn tới sự phát triển bền vững của các quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển, có tiềm lực lớn về kinh tế và KH&CN. Mặt khác, với sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất dựa trên những thành tựu của CMCN 4.0 – hứa hẹn sẽ tạo ra một nền tảng vật chất to lớn cho xã hội, tạo điều kiện hình thành một Xã hội 5.0.
“Xã hội 5.0” là gì?

Khái niệm Xã hội 5.0 (“siêu thông minh”) xuất hiện vào năm 2016, khi chính phủ Nhật Bản ban hành Kế hoạch công nghệ và khoa học cơ bản thứ 5 (5th Science and Technology Basic Plan) nhằm hướng tới một xã hội siêu thông minh trong tương lai. Nó giải quyết những thách thức cản trở sự phát triển bền vững của quốc gia này như sự suy thoái của tỷ lệ sinh, già hóa dân số, thảm họa tự nhiên, sự ô nhiễm, mất cân bằng giới tính, khủng bố, mật độ dân đô thị cao, thiếu tài nguyên thiên nhiên…
Tuy nhiên, có thể nói, khái niệm về Xã hội 5.0 còn rất mới lạ với nhiều người, bởi làn sóng CMCN 4.0 chưa lan tỏa rộng trên thế giới. Vậy, Xã hội 5.0 là gì?


Xã hội 5.0 – bước tiến mới của tương lai

Xã hội 5.0 chính là một dạng thông tin khổng lồ (Big Data) được xây dựng, tổng hợp qua nhiều lĩnh vực và được khai thác bằng bộ xử lý thông minh AI, có khả năng học hỏi để xử lý khối lượng thông tin khổng lồ nhanh chóng. Không những thế, Xã hội 5.0 có thể tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ, nâng cao hiệu quả và giải quyết mọi vấn đề trong xã hội.
Xã hội 5.0 sẽ tìm kiếm một con đường mới, tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ để nâng cao hiệu quả và giải quyết mọi vấn đề trong xã hội. Thay vì cạnh tranh khốc liệt, công nghệ mới sẽ mang lại sự liên kết của mọi thành viên xã hội với nhau, với các doanh nghiệp nước ngoài.
GS. TS. Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cơ điện đo lường tự động hóa DKNEC, người đầu tiên tiếp cận và áp dụng xu hướng 5.0 tại Việt Nam, cho biết: “Bản chất của Xã hội 5.0 là sự kết hợp các tinh túy mọi lĩnh vực của xã hội từ công nghiệp, kinh tế, khoa học, y tế, giáo dục, tâm linh… để đưa ra mọi giải pháp tốt nhất, tốn ít sức lao động, đưa ra kết quả tốt nhất phục vụ lợi ích con người. Mặc dù khai thác tài nguyên dữ liệu để phục vụ con người đã tồn tại từ rất lâu, nhưng để có thể đạt tới “đỉnh điểm” thì cần một bước tiến xa hơn nữa”.
“Ý tưởng về Xã hội 5.0 mới chỉ được triển khai bước đầu nên những kết quả của nó vẫn chưa thật sự ấn tượng và rõ nét. Thế nhưng, nếu xã hội đi tới xu hướng 5.0, nhất là áp dụng với công nghệ sản xuất thì tự động hóa sẽ đem lại mức độ chính xác và năng suất cao hơn. Công nghệ này, thậm chí có thể làm tốt ở những môi trường khắc nghiệt không an toàn với con người.
Thế hệ robot mới ngày càng dễ dàng sử dụng hơn, với các tính năng như nhận dạng giọng nói và hình ảnh để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp của con người. Một lợi thế khác nữa của robot là chúng sẽ làm chính xác những gì bạn yêu cầu – không thừa không thiếu”, ông Hiến nhấn mạnh.
Mô hình của tương lai
Cuối tháng 1/2018, tại Diễn đàn Asia Digital Society Forum 2018 (Diễn đàn xã hội số châu Á), tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu mô hình Xã hội 5.0 và đô thị thông minh của Nhật Bản.


Các bước tiến của xã hội để đạt tới Xã hội 5.0

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản cho biết, xã hội kỹ thuật số đang hình thành và phát triển nhanh chóng trên toàn cầu, Việt Nam cũng đang nằm trong xu hướng đó. Hiện các khái niệm như số hóa, công nghệ 4.0… đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, cũng có những đặc trưng tương tự, nhưng tại Nhật Bản gọi đó là Xã hội 5.0. Hiểu một cách đơn giản, Xã hội 5.0 được vận hành trên nền tảng kỹ thuật số, thu thập, phân tích các dữ liệu lớn để đưa ra các giải pháp. Cụ thể, máy tính với sự trợ giúp của AI sẽ lọc thông tin, chỉ chuyển “lên trên” những thứ thật sự quan trọng để phân tích, thông tin này chứa trong các bộ nhớ đám mây.
Nhằm hướng đến một “xã hội thông minh” tăng trưởng cao năng suất và đảm bảo sự thịnh vượng, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai ban đầu kế hoạch về dịch vụ giao hàng bằng thiết bị bay không người lái cho các khu vực vùng núi và tàu tự động vận hành để đổi mới ngành công nghiệp hậu cần và vận tải vào năm 2020.
Tại Nhật Bản, Robot công nghiệp đang được thử nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để phục vụ dân số già hóa. Các nhà nghiên cứu đang thăm dò tỉ mỉ việc sử dụng robot và cảm biến trong chăm sóc điều dưỡng để giảm gánh nặng của người chăm sóc, cũng như giảm chi phí điều trị và chăm sóc y tế. Nhật Bản cũng đang phát triển trí tuệ AI tới mọi ngóc ngách của xã hội.
Ông Noritsugu Uemura, Giám đốc bộ phận Quan hệ Chính phủ và công chúng – Tập đoàn Mitsubishi đã trả lời tạp chí Expert (Nga) rằng, hiện nay, Nhật Bản mới chỉ ở những bước đi đầu tiên của quá trình tiến tới Xã hội 5.0 và chưa thể trình diễn các kết quả cụ thể. Nhưng đến Thế vận hội 2020, do Nhật Bản đăng cai, họ sẽ cho thế giới thấy được những kết quả ban đầu như hệ thống giao thông tự hành dùng cảm biển gắn trên xe, bản đồ 3D, tín hiệu định vị từ hệ thống vệ tinh nhằm giảm độ sai sót xuống dưới 5 cm.
Xu hướng mới – thách thức
Theo các chuyên gia, cuộc CMCN 4.0 chỉ mới vào Việt Nam một thời gian, chính vì thế không phải doanh nghiệp, nhà sản xuất nào cũng đều hiểu hết được tầm quan trọng, cũng như sự đào thải gắt gao của cuộc cách mạng này. Đối với Xã hội 5.0, Việt Nam còn khá “lơ ngơ” về định nghĩa này.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), CMCN với sự đột phá của Internet và trí tuệ nhân tạo – đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp. Không những thế, việc tiếp cận được những thành tựu trong các cuộc CMCN chính là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, ông Đông nhấn mạnh, sự thay đổi nhanh chóng của cuộc CMCN cũng đặt các doanh nghiệp Việt trước những nguy cơ, thách thức như việc tụt hậu về công nghệ, trình độ quản trị chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế…
Chính vì thế, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến từng vùng, miền trong cả nước, cần phải bắt kịp xu thế mới, đi tắt đón đầu mọi tinh hoa của thế giới. Tăng cường việc đào tạo kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân viên, đổi mới trang thiết bị, máy móc…
Có thể thấy rõ, khi thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng tiếp cận với Xã hội 5.0 (nhất là trong lĩnh vực sản xuất, ngành dệt may, nông nghiệp truyền thống, khai thác khoáng sản, than, quặng, dầu khí…), thì nguồn lao động thủ công bị thu hẹp lại. Bởi xu thế mới, robot thông minh thay thế con người đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, nó có thể tăng sản lượng và làm một cách chính xác hơn.
Theo dự báo, 20 năm tới, sẽ có từ 70 – 75% những công việc đơn giản, thủ công bị thay thế, khiến hàng chục triệu lao động truyền thống bị thất nghiệp, đòi hỏi Nhà nước ta cần có sự chủ động ứng phó và kiểm soát tốt nhất để bảo đảm an ninh cho người dân và chủ quyền của đất nước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *